“Cô bé robot” Hiền Thu và sự nhầm lẫn tai hại!

“Cô bé robot” Hiền Thu và sự nhầm lẫn tai hại!

Đây là bài viết đầu tiên trên Noisy Stream mà mình không đi sâu về công nghệ…

Gần đây trên sóng của Đài Truyền hình Việt Nam có một chương trình mới tên là Mặt Trời Bé Con, là phiên bản Việt của chương trình Little Big Shots do Warner Bros sản xuất. Bản thân mình khá thích chương trình này, vì một lần nữa mình được thấy tài năng của các bạn nhỏ, lần này là trong một môi trường hoàn toàn mở.

Tuy nhiên số 14 (lên sóng vào ngày 9/12/2017) làm mình buồn cười một cách đầy thất vọng. Đã từ rất lâu rồi, một công nghệ của Nhật Bản tên là Vocaloid mới được giới thiệu lại trên một kênh tin tức chính thống, nhưng tiếc là cô bé Hiền Thu (11 tuổi) trong số này đã chưa đủ hiểu biết về nó, lại còn biểu hiện điều đó ra…

Mình rất hào hứng khi em ấy mở đầu bằng một điệu nhảy khá ngẫu hứng trên nền một bài hát sử dụng công nghệ này. Bài hát có tên là Electric Angel, sáng tác bởi Yasuo. Phiên bản bài hát được cô bé chọn là bản phối nhạc điện tử được thực hiện bởi Giga-P và Orebanana, được trình bày bởi hai nhân vật Kagamine Rin và Kagamine Len.

Hiền Thu nhảy theo bài hát Electric Angel. Nguồn ảnh: Trang Facebook chính thức của Mặt Trời Bé Con

Sau đó, bác Lại Văn Sâm bước ra phỏng vấn em với khuôn mặt rất ngạc nhiên. Bác ấy thấy lạ về giọng hát trong bài hát, và cô bé phản hồi rằng đó là giọng hát của ca sĩ ảo. Đó là một lời gợi mở đúng và hay về công nghệ Vocaloid.

Từ khi bác Sâm hỏi “Ca sĩ ảo, tức là không có thật?”, thì Hiền Thu tỏ ra khá lúng túng và bắt đầu nói những điều nôm na chẳng hề sát với quá trình phát triển của công nghệ này.

Họ có thật, nhưng kiểu như là, họ sống trong một ngôi nhà, họ không ra ngoài, và họ không phải con người.

Bác Lại Văn Sâm phỏng vấn Hiền Thu về Vocaloid

Ảo, đương nhiên là không có thật, là do con người tưởng tượng ra!

Tuy nhiên, mình hiểu “ngôi nhà” được Hiền Thu sử dụng để chỉ thế giới ảo, và đối với Vocaloid, có cả một nhóm các nhân vật riêng dựa trên nền tảng công nghệ này. Và đúng là “họ không phải con người”. Vocaloid chỉ là một công nghệ hát bài hát thành tiếng, được tạo ra bởi hãng Yamaha. Gần với công nghệ đó là công nghệ đọc văn bản thành tiếng mà Google Translate và rất nhiều hệ điều hành đang sử dụng. Vocaloid tiến thêm một bước ở chỗ, thay vì nói, thì giọng được chọn sẽ hát; và để máy hát được, thì người sử dụng phải nhập lời hát và các nốt nhạc tương ứng vào. Vì vậy, nói “họ không ra ngoài” là khá hợp lý.

Thế nhưng, đến ý sau đây thì sự nôm na của em đấy đã bị chệch đi hẳn.

Họ là robot.

Ý đó tiếp nối cho các ý trước đó mà em nói rằng các nhân vật này “có thật”, “không ra ngoài”“không phải con người”. Thật nực cười!

Chả là thế này. Trong những năm đầu của công nghệ Vocaloid, chưa hề có bất cứ một thiết kế nào có hình dáng người cho giọng hát ảo dựa trên công nghệ đó. Mãi về sau mới có một công ty yêu cầu thiết kế hình dáng người cho giọng hát mà họ sản xuất ra, để giọng hát ấy tiếp cận gần hơn với giới trẻ Nhật Bản, vốn đã quen thuộc với khái niệm nhân vật trong truyện tranh, phim hoạt hình và trò chơi. Thời điểm đó, có thể khẳng định rằng, Vocaloid đã có khái niệm riêng về nhân vật. Nhưng một nhân vật Vocaloid mới chỉ có hình thức bên ngoài (được in trên vỏ hộp sản phẩm giọng hát) và giọng hát, chứ chưa hề có tính cách và hành động cụ thể. Phần bị thiếu này sẽ được để cho những người sử dụng, các hoạ sĩ và những người làm hoạt hình thoả sức sáng tạo. Thế là từ đó, các video có mặt các nhân vật Vocaloid được sản xuất ra, trong đó có cả các video 3D.

Sau đó người ta ứng dụng và phát triển tiếp công nghệ hologram. Một cách thức triển khai đơn giản của công nghệ này được áp dụng trong các liveshow Vocaloid, đó là chiếu video 3D lên màn phẳng trong suốt. Chính cái sự trong suốt và rộng của màn chiếu, cộng với việc giới hạn góc nhìn chếch nghiêng, làm cho khán giả có cảm giác nhân vật Vocaloid đang hát và nhảy múa “thật” trên sân khấu, thậm chí là tương tác “thật” với khán giả nữa. Nhưng đằng sau đều có kịch bản hết.

Ý của Hiền Thu cứ thế bị trôi theo cái mạch bị lạc như mình đã dẫn và phản biện ở trên. Đây là câu trả lời của em khi bác Sâm hỏi vì sao người ta làm chúng ảo như vậy:

Cháu nghĩ là họ (những người sản xuất) không muốn để cho các robot ra ngoài, nhỡ đâu các tính xấu của robot bộc phát thì họ còn nhốt chúng ở trong đấy (trong “nhà”) được và chỉnh sửa lại. Nếu tính xấu đó bộc phát ra ngoài thì robot có thể trở phá nhân loại.

Đến đây mình chỉ có thể cười buồn. Yamaha chỉ tạo ra công nghệ Vocaloid để hát các bài hát thôi. Công nghệ đó không phải là trí tuệ nhân tạo, thì làm sao người ta có thể phát triển ra robot dựa hoàn toàn vào công nghệ đó mà có suy nghĩ như con người? Những thứ nhảy múa trên sân khấu các liveshow Vocaloid chỉ là hình dáng bên ngoài của các nhân vật được con người điều khiển mà thôi. Mà robot hiện tại chưa đủ phức tạp, linh hoạt và nhanh như những gì chúng ta thấy trên sân khấu đâu.

Còn nữa, để biểu hiện thêm niềm yêu thích với Vocaloid, à đâu, “robot” chứ nhỉ, thì Hiền Thu đã giới thiệu một nhân vật mà em ấy bảo là tự tạo, tên là Kokorone Maneki. Hình thức bên ngoài của nhân vật này được cóp nhặt rất nhiều từ một nhân vật Vocaloid là Kagamine Rin. Hồi mình còn nhỏ, mình hay vẽ lại các nhân vật mà mình yêu thích, nhưng chưa bao giờ chỉnh sửa lại mấy phần để rồi coi kết quả là nhân vật của mình tạo ra hết.

Mọi người có thể xem thêm video cụ thể trên kênh YouTube chính thức của chương trình (giới thiệu, phần chính).

Xin phép được giới thiệu thêm một chút về Vocaloid và chính mình.

Yamaha tạo ra công nghệ Vocaloid và cung cấp phần mềm Vocaloid Editor cho người sử dụng giọng hát Vocaloid. Có nhiều công ty sản xuất ra giọng hát dựa trên công nghệ đó, trong đó có công ty Crypton Future Media là nổi bật nhất với giọng hát (nhân vật) tiêu biểu là Hatsune Miku. Trong bài viết này có đề cập đến Kagamine Rin và Kagamine Len, đó cũng là hai nhân vật do Crypton sản xuất.

Ngoài ra còn nhiều nhân vật Vocaloid khác cho các bạn tìm hiểu: Megurine Luka, MEIKO, KAITO, Megpoid (GUMI), Gackpoid (Kamui Gakupo), IA, Mayu, v.v… Chưa kể còn có các công nghệ tương tự và ra sau Vocaloid là UTAU và CeVIO. UTAU miễn phí, bất cứ ai cũng có thể tự tạo ra các giọng hát riêng dựa trên UTAU. Có khi Hiền Thu đang làm một nhân vật UTAU chăng?

Mình, LQ2′, là một nhà sản xuất nhạc Vocaloid và từng hoạt động trong một nhóm tên là Vocaleek chuyên tổ chức các liveshow Vocaloid tại Hồ Chí Minh và Hà Nội. Hiện tại mình đang sử dụng Hatsune Miku trong các bài hát và bản phối nhạc của mình. Các bạn có thể ghé thăm trang web chính thức cho dự án nhạc Vocaloid của mình tại đây.

(Nguồn ảnh: Trang Facebook và kênh YouTube của Mặt Trời Bé Con.)

Bài viết này có 2 bình luận

  1. Em không hiểu sao các chương trình Việt Nam dạo gần đây có vẻ không tìm hiểu kĩ gì về thông tin mình sắp đăng, cũng không hiểu sao một chương trình liveshow với mục đích tìm kiếm tài năng trẻ lại có thể duyệt em này lên =))
    Có đôi chút thất vọng.

  2. ôi đệt. con này tao xem đã thấy nó nói láo rồi

Tính năng bình luận đã được đóng.